Công Ty Cổ Phần Việt-Pháp Sản Xuất Thức Ăn Gia Súc (PROCONCO) – Phẩm Chất Pháp Quốc Liên hệ Tuyển dụng
Điều chỉnh cỡ chữ: Aa Aa Aa Aa
Dinh dưỡng hợp lý
cho Cút khoẻ mạnh
Kiến thức chăn nuôi Cút
Câu hỏi thường gặp
Cút đẻ là loài có sự chuyển hoá dinh dưỡng cao, đồng thời chịu áp lực rủi ro về dịch bệnh rất lớn do đặc thù chưa có vaccin phòng bệnh dành riêng cho cút, nên sức chống chọi bệnh tật hoàn toàn dựa vào sức đề kháng của bản thân chim cút. Trong khi đó, khi cút chuyển đổi từ giai đoạn hậu bị sang giai đoạn đẻ trứng, sẽ có những thay đổi rất lớn về nội tiết tố hoocmon, cũng như biến dưỡng,…vì vậy sức đề kháng của cút suy giảm, dễ bị các vi khuẩn, dịch bệnh tấn công đe doạ đến sức khoẻ của cút. Nên đây là giai đoạn rủi ro nhất. Chính những thay đổi về nội tiết tố, dinh dưỡng trong giai đoạn vào đẻ (dinh dưỡng thức ăn sẽ được chuyển đổi chủ yếu để tạo trứng, khác hoàn toàn với giai đoạn hậu bị, dinh dưỡng chủ yếu để hoàn thiện cơ, khung xương, lông,..) nên thể chất phân cũng sẽ bị ảnh hưởng làm phân hơi ướt hơn thông thường trong giai đoạn này. Để giúp cho cút hạn chế các vấn đề phân ẩm ướt nghiêm trọng, cũng như có khả năng “vượt cạn” tốt nhất trong giai đoạn này, trại chăn nuôi cần: - Chăm sóc cút hậu bị đúng cách: dùng thức ăn C32, theo dõi thể trọng (trọng lượng), tính đồng đều, ánh sáng,…để sao cho cút đẻ đúng thời điểm. - Chuyển đổi thức ăn từ cút hậu bị sang cút đẻ đúng phương pháp. - Đảm bảo khí hậu chuồng trại: thông thoáng, nhiệt độ, ẩm độ,… - Đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn dịch tễ của trại. - Phòng bệnh chặt chẽ cho cút trong giai đoạn này. - Theo dõi chặt chẽ tình trạng của cút: hao hụt, tình trạng phân, lượng ăn, số lượng trứng, chất lượng trứng để có giải pháp kịp thời Để có những nhận định và đánh giá chính xác sức khoẻ của đàn cút, Quý bà con chăn nuôi hãy gọi đến số 0613 834 127 – Phòng kỹ thuật Proconco để được tư vấn thêm.
Gia cầm nói chung và chim cút nói riêng là loài rất nhạy cảm, những thay đổi về dinh dưỡng đột ngột sẽ tác động có hại đến tính thèm ăn cũng như khả năng tiêu hoá của cút. Thông thường, sẽ có giai đoạn chuyển đổi thức ăn từ cút hậu bị (C32) sang cút đẻ (C34). Để hệ tiêu hóa của cút thích nghi với thức ăn mới, việc chuyển đổi thức ăn trong giai đoạn này nói riêng hay khi chuyển đổi thức ăn từ chủng loại này sang chủng loại khác cần thực hiện một cách từ từ trong thời gian tối thiểu 4 ngày, theo tỷ lệ trộn như sau: - Ngày 1: 1 phần thức ăn mới + 3 phần thức ăn cũ. - Ngày 2: 2 phần thức ăn mới + 2 phần thức ăn cũ. - Ngày 3: 3 phần thức ăn mới + 1 phần thức ăn cũ. - Ngày 4: chuyển hoàn toàn thức ăn mới. Để việc chuyển đổi thức ăn tiến hành thuận lợi, trại chăn nuôi cần quan tâm: - Đánh giá tình trạng sức khoẻ của cút: cút có sức khoẻ tốt. - Khi điều kiện chăn nuôi không thuận lợi (Như mưa bão…), trước khi chuyển đổi thức ăn cần tiến hành phòng bệnh cho đàn cút trong thời gian 3 ngày bằng thuốc kháng sinh phổ rộng như Doxycycline hoặc Enrofloxacine,… - Trong quá trình chuyển đổi thức ăn, ta nên bổ trợ thêm vitamin C, men tiêu hoá để giúp cút chống Stress và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng. - Quan sát chặt chẽ diễn tiến của đàn cút trong quá trình chuyển đổi thức ăn: tình trạng phân, lượng ăn, năng suất,…
Chim cút hoàn toàn có thể bị nhiễm bệnh Cúm gia cầm và dịch tả gà (thường hay gọi là ND- Newcastle disease). Đây là bệnh do siêu vi (virus) gây ra, chỉ có thể phòng bệnh bằng việc tiêm chủng vaccin Cúm Gia cầm và vaccin Dịch tả gà cho toàn đàn. * Vaccin phòng Cúm gia cầm: trại cần liên hệ với Chi cục thú y địa phương. * Với vaccine phòng dịch tả gà (Newcastle disease) trên cút, trại có thể tham khảo lịch phòng như sau: - Lần 1: 1 ngày tuổi vaccin sống ND. Phương pháp: phun sương toàn đàn. - Lần 2: 15 hoặc 16 ngày tuổi, ND Lasota. Phương pháp: uống. - Lần 3: 32 hoặc 33 ngày tuổi, ND Lasota. Phương pháp: uống. Ngoài việc chủng ngừa phòng bệnh cho cút, chúng ta cần thực hiện nghiêm ngặt đảm bảo an toàn sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng chặt chẽ để đảm bảo sức khoẻ của đàn cút.