Thị trường sản phẩm chăn nuôi: Bức tranh toàn cảnh trong 6 tháng đầu năm 2020

03 tháng 8 2020
-
2 phút

Thị trường sản phẩm chăn nuôi có nhiều biến động trong 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt Giá thịt lợn hơi giữ ở mức cao. Trong khi đó, sản phẩm gia cầm, do việc phát triển đàn nhanh và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có thời điểm có phần mất cân đối giữa cung – cầu.

Biến động thị trường về giá các sản phẩm chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2020

 

Theo Cục Chăn nuôi, từ đầu tháng 4/2020, giá thịt lợn hơi xuất bán tại chuồng có xu hướng tăng, có thời điểm giá thịt lợn hơi tăng cao và cán mốc 100 ngàn đồng/kg, lý do: nguồn cung giảm (đàn lợn nái, lợn con chết và tiêu hủy nhiều trong cao điểm dịch cả nước từ tháng 5-7/2019, những lợn nái không chết, cũng rất hạn chế đưa vào phối giống trong giai đoạn này); người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, người giết mổ nhỏ lẻ không trực tiếp mua được lợn thịt từ các doanh nghiệp, phải qua nhiều khâu trung gian; ngoài một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã bắt đầu triển khai việc tái đàn nái từ tháng 10/2019, sẽ cho sản phẩm từ tháng 8/2020, còn phần lớn việc tái đàn nái trong các trang trại, hộ chăn nuôi (khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất) mới chỉ bắt đầu từ cuối tháng 02/2020 trở lại đây.


Bộ NN&PTNT cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể như: tổ chức họp, tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, ổn định nguồn cung và giảm giá bán lợn thịt. Kết quả, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ và xuất bán lợn thịt tại trại với giá từ 74.000-76.000 đồng/kg lợn hơi. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp chưa phối hợp thực hiện việc giảm giá bán lợn thịt, chưa hoàn toàn đồng hành cùng với Chính phủ, đồng thời có những thời điểm không xuất bán, nuôi để tăng khối lượng nên ảnh hưởng đến nguồn cung.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản số 3936/BNN-VP ngày 11/6/2020 đồng ý về việc cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020 cho đến khi đạt được mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ triển khai các biện pháp, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống theo các quy định hiện hành. Kể từ đầu tháng 6 đến nay, giá thịt lợn hơi đã có xu hướng giảm.

Do việc phát triển nhanh đàn gia cầm 2019, đồng thời chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên trong 6 tháng đầu năm 2020 thị trường sản phẩm chăn nuôi gia cầm có thời điểm có phần mất cân đối giữa cung – cầu. Giá gà công nghiêp trắng có thời điểm trong tháng 3-4/2020 chỉ dao động từ 22.000-24.000 đg/kg, tuy nhiên hiện nay đã tăng lên mức 33.000-36.000 đg/kg; giá gà thịt lông màu bình quân khoảng 28.000-32.000 đg/kg, hiện nay đang dao động ở mức 33.000-35.000 đg/kg; giá vịt siêu thịt những tháng đầu năm 2020 có giá thấp từ 24.000-28.000 đg/kg, hiện nay giá đang dao động 34.000-35.000 đg/kg.

 

Tình hình tái đàn lợn sau Dịch tả lợn Châu Phi

 

Theo Cục Chăn nuôi, tính đến hết tháng 6/2020, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tái đàn lợn đạt trên 100% so với trước lúc xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thống kê tình hình tái đàn lợn 6 tháng đầu năm 2020 so với ngày 31/12/2018 cho thấy, nhóm 1 có 9 tỉnh, thành phố tái đàn, tăng đàn lợn đạt trên 100%, trung bình là 118,71% so với trước dịch.

Đứng đầu nhóm 1 là tỉnh Bình Phước đạt 150%, tiếp đến là Đắk Nông, Bình Định, Bình Thuận, Đăk Lắk, Hòa Bình, Cà Mau, Yên Bái, Tây Ninh.

Nhóm 2 có tỷ lệ tái đàn lợn từ 90 đến dưới 100%, trung bình đạt 96,26% gồm 9 tỉnh là: Ninh Thuận, Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum, Nam Định, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Tuyên Quang.

Nhóm 3 với tỷ lệ tái đàn từ 70 cho tới dưới 90%, trung bình đạt 79,38% có 23 tỉnh, thành, bao gồm; Khánh Hòa, Nghệ An, Sơn La, Phú Yên, Cần Thơ, Điện Biên, Bắc Giang, Hà Giang, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Quảng Trị, Thứa Thiên Huế, Phú Thọ, Gia Lai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hà Nam.

Nhóm 4 gồm 22 tỉnh, thành với tỷ lệ tái đàn dưới 70%, trung bình chỉ đạt 54,19%, gồm: Bắc Ninh, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Hà Nội, Ninh Bình, Bạc Liêu, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang, Long An, An Giang, Hải Dương, Kiên Giang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lạng Sơn và Đồng Tháp.

Riêng với đàn lợn thịt có 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng tính đến hết tháng 6/2020 đạt trên 4,16 triệu con, tăng so với ngày 1/1/2019 trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi là 66,35%, tăng so với ngày 1/1/2020 là 30,89%.
Trong bức tranh ảm đạm của ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2020, De Heus thương hiệu thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới vẫn luôn xem chất lượng sản phẩm là giá trị cốt lõi được duy trì và phát triển trong suốt hơn 100 năm qua. Để duy trì những giá trị đó De Heus đã tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào, giám sát chặt chẽ thành phẩm đầu ra, cho ra các dòng sản phẩm chất lượng cao, và ổn định, đáp ứng được nhu cầu thị trường chăn nuôi nước nhà. Song song với đó, De Heus luôn có những giám sát chặt chẽ tại các nhà máy trong việc thực hành sản xuất đảm bảo an toàn sinh học giúp ngăn chặn hoàn toàn các mối nguy do vi sinh vật và vi rút gây ra từ nguồn nguyên liệu đầu vào, dây chuyền – phương tiện sản xuất và con người.