4 yếu tố cần lưu ý để quản lý tài chính hiệu quả trong trang trại chăn nuôi heo
Quản lý tài chính hiệu quả sẽ giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và trang trại chăn nuôi nói riêng, đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi ích trên chi phí đầu tư. Thực tế cho thấy rằng có khá nhiều trang trại chăn nuôi từ lớn tới nhỏ đều rơi vào cảnh chưa đi đến chợ mà túi đã hết tiền, điều dẫn đến việc phải ngậm ngùi đóng cửa trại hoặc chấp nhận mua nợ thức ăn và vật tư khác với giá cao. Có thể có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng này, một trong số đó là sự bất hợp lý về khía cạnh quản lý tài chính và đầu tư trong trang trại chăn nuôi heo.
Thời điểm đầu tư
Không chỉ trong ngành chăn nuôi mà bất cứ ngành nông nghiệp nào, một chu kỳ sản xuất thường cần thời gian khá dài từ vài tháng hoặc vài năm.Trong suốt quãng thời gian đó, giá thị trường đầu ra có nhiều dao động. Do vậy, có thể nói ngành kinh doanh trang trại không phù hợp cho những ai có quan điểm đầu tư lướt sóng. Dù vậy, thực tế vẫn có khá nhiều chủ trang trại chăn nuôi chỉ ra quyết định đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng khi nhìn thấy giá sản phẩm đầu ra ở mức cao tại đỉnh của parabol của chu kỳ giá thị trường, và trong rất nhiều trường hợp khi trang trại này có sản phẩm xuất bán lại rơi đúng vào đáy của parabol chu kỳ giá, dẫn đến lỗ nặng. Hơn nữa, tại thời điểm đỉnh cao của giá sản phẩm đầu ra, do nhiều người cùng đổ xô đầu tư cùng lúc làm cho giá mua vật tư, thiết bị chuồng trại hay con giống đầu vào lại đắt đỏ, việc này đã làm tăng thêm gánh nặng không nhỏ cho chi phí sản xuất.
Vì vậy, thay vì chỉ dựa vào yếu tố giá đầu ra tại một thời điểm nào đó, các chủ trang trại nên căn cứ vào dữ liệu nghiên cứu và dự báo xu hướng đầy đủ khía cạnh khác nhau của thị trường, để ra quyết định thời điểm đầu tư mới hay đầu tư mở rộng.
- Cân đối dòng tiền “vào-ra” trong chu kỳ chăn nuôi
Ngoại trừ một số doanh nghiệp chăn nuôi có bộ phận quản lý tài chính chuyên nghiệp và kế hoạch sử dụng vốn phù hợp với chu chuyển đàn khoa học, có rất nhiều trang trạng thường lâm vào cảnh nắm giữ khối tài sản lớn nhưng lại không có tiền. Lấy một ví dụ đơn giản cho trường hợp này như sau: một trang trại nuôi 2.000 heo thịt, chu kỳ sản xuất heo thịt, từ lúc nhập trọng lượng 20 kg/con đến lúc xuất chuồng 130 kg/con, cần thời gian nuôi trung bình khoảng gần 5 tháng, số vốn cần có để hoạt động trung bình 8 – 9 tỉ đồng, chưa kể tài sản cố định đất đai và nhà xưởng. Nếu trại nuôi chỉ có một khu và áp dụng qui trình kỹ thuật nuôi “cùng vào – cùng ra” thì trong suốt thời gian hơn gần 5 tháng đó, dòng tiền của trại chỉ có chi ra mà không có thu vào, dễ rơi vào cảnh thiếu tiền, đặc biệt do nhu cầu thức ăn tăng cao vào những tháng cuối kỳ nên áp lực sẽ lớn hơn so với những tháng đầu kỳ.
Vậy phải làm sao để cân đối cho đủ yêu cầu dòng tiền “vào và ra” trong suốt chu kỳ 4,5 – 5 tháng nuôi?
Cách thứ nhất là có thể quy hoạch trang trại thành ít nhất 5 khu nuôi với công suất mỗi khu 500 con (trong trường hợp trang trại có kế hoạch nuôi 2.000 heo). Như vậy trại có thể lập kế hoạch chu chuyển đàn, mỗi tháng nhập vào 500 con/khu, lần lượt từ khu thứ nhất đến khu thứ năm. Trong tháng thứ năm, vừa xuất chuồng lứa thứ nhất, vừa sát trùng chuồng khu này chờ sẵn lứa kế tiếp.
Cách thứ hai là lập sẵn kế hoạch sử dụng vốn phù hợp với kế hoạch chu chuyển đàn và chủ động lập quỹ dự phòng cho những trường hợp heo đến kỳ xuất mà bị tồn do biến động thị trường.
- Chi phí nổi – Chi phí ẩn
Hầu hết chủ trang trại chỉ quan tâm quản lý các chi phí nhìn thấy được (chi phí nổi) như: mua con giống, thức ăn, thuốc thú y, tiền lương nhân viên…Trong khi đó, chi phí ẩn của toàn trại cũng quan trọng không kém mà lại ít được lưu tâm quản lý, ví dụ như: số heo con sơ sinh còn sống trung bình /01 nái/năm; số ngày heo nái không sản xuất /năm; khối lượng heo thịt xuất chuồng /m² chuồng nuôi / năm; số vòng quay sử dụng chuồng trại / năm…
Ví dụ, tổng khối lượng thức ăn cho một heo nái khoảng 1 tấn / nái / năm, tổng chi phí khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Nếu biến động tăng 500.000 đ/tấn, trại 500 nái thì số tiền mua thức ăn heo nái của trại tăng thêm 250.000.000 đồng/ năm, chủ trại dễ nhận ra ngay và tiến hành đàm phán giá ngay lập tức với nhà cung cấp. Trong khi đó, các chỉ số heo con sơ sinh còn sống / nái / năm và số lứa đẻ / nái / năm thì ít được quan tâm quản lý thống kê đầy đủ. Khi được hỏi về chỉ số này, thì hầu hết đều trả lời máy móc là 10 con /1 lứa x 2 lứa = 20 con / nái / năm. Thực tế cho thấy rằng không phải trang trại nào cũng đạt con số trung bình như vậy, có khi thấp hơn nhiều, trong khi một số doanh nghiệp quản lý tốt đã đạt kết quả 25 – 27 heo con sơ sinh còn sống/ nái /năm. Ở đây, thử lấy khoảng chênh lệch 5 heo con giữa trại quản lý tốt và trại bình thường đã thấy trại bình thường mất đi một khoảng tiền khá lớn (giả định giá trị heo con sơ sinh 200.000 đ/con x 5 con = 1 triệu đồng / nái / năm). Khoản tiền 01 triệu đồng / nái x 500 nái = 500.000.000 đồng / năm này đã mất đi mà chủ trại không nhìn thấy được và như vậy họ không quyết liệt tìm cách lấy lại bằng mọi cách vì nó nằm ẩn ở đâu đó trong hệ thống quản lý, trong khi tất cả các khoản chi cho heo nái đã chi rồi.
Do vậy, bên cạnh việc quản lý chi phí nổi, dễ nhìn thấy, chủ trang trại cần lưu ý quản lý chi phí ẩn, lập quy trình quản lý phù hợp với hoàn cảnh của trại với sổ sách ghi chép các chỉ tiêu như: số heo con sơ sinh còn sống / nái / năm, số ngày nái không sản xuất / nái / năm, khối lượng heo thịt xuất chuồng / m/ năm hoặc số vòng quay chuồng trại / năm và các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật khác nhằm tìm cách tối đa hóa lợi ích so với tổng chi phí nổi và chi phí ẩn đã đầu tư.
- Lợi ích bên ngoài – Lợi ích bên trong
Để dễ hình dung, chúng ta đưa ra ví dụ về lợi nhuận / chi phí mua heo cái giống. Ai cũng biết con giống đạt chuẩn về di truyền giống, sức khỏe tốt, độ đồng đều cao sẽ đóng vai trò quan trọng,quyết định sự thành bại của nghề chăn nuôi. Tuy nhiên, giá thành rẻ vẫn là yếu tố tác động lớn đến quyết định mua con giống của rất nhiều chủ trại chăn nuôi. Giá bán một heo cái hậu bị phổ biến, chưa bao gồm phí vận chuyển, bao gồm = (chi phí sản xuất giống khoảng 2.500.000 – 3.000.000 đồng / con) + (giá heo hơi thị trường x trọng lượng heo 120kg). Vị chi theo thời giá khoảng 9 – 10 triệu đồng/con cái hậu bị, theo lý thuyết, có xuất xứ nguồn gốc, có gia phả di truyền giống rõ ràng và có thể được dự báo luôn thành tích sản xuất của 8 lứa đẻ sau đó.
Tuy nhiên, nhiều chủ trại do tiếc khoản tiền công tác giống 3 triệu đồng mà thay vì mua heo cái hậu bị từ công ty heo giống uy tín. Họ mua heo cái bên ngoài hoặc tự tuyển chọn một số heo cái trong đàn heo thịt ra làm heo cái hậu bị. Với trại 500 nái và số heo cái thay đàn 170 con/ năm, trước mắt họ tiết kiệm được 510 triệu đồng/ năm. Khoảng tiết kiệm đó liệu có bù đắp được cho các rủi ro tiềm ẩn của việc chọn heo thịt để lại làm heo cái hậu bị? Cùng xem xét trên tổng đàn, vì bản chất di truyền các con cái này là heo thịt nên số heo con sơ sinh/nái/năm sẽ thấp, trọng lượng heo con sinh ra không đồng đều giữa các cá thể, dễ xảy ra tình trạng sinh khó, sữa mẹ ít, trọng lượng cá thể trong đàn heo thịt trưởng thành sẽ phân ly lớn, phẩm chất thịt không đồng đều… Tới đây chúng ta cũng có thể thấy được rằng chưa chắc chủ trang trạng đã tiết kiệm được tiền như họ đã nghĩ.
Bắt kịp với thời đại công nghệ số đang tiến bộ một cách vượt bậc hiện nay, cũng như tiêu chí luôn kề vai sát cánh, đồng hành cùng phát triển, De Heus mang tới cho các Quý Khách Hàng của mình phần mềm quản lý trang trại – một giải pháp quản lý hiện đại với tính ứng dụng thực tiễn cao, cung cấp đầy đủ và chính xác những thông số dữ liệu cần thiết, cho phép chủ trang trại có cái nhìn bao quát cũng nhưng chi tiết về toàn bộ các yếu tố quan trong trong quản lý trang trại, nhằm đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi ích trên chi phí đầu tư.