Những lưu ý khi tái đàn sau Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP)

30 tháng 3 2020
-
3 phút

Tính đến thời điểm hiện nay, nhờ huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt, kịp thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), đến nay đã có rất nhiều địa phương đã khống chế thành công DTLCP. Và đây cũng chính là lúc là lúc để các địa phương tăng cường tái đàn lợn, tăng thêm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cụ thể là trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 việc đảm bảo an ninh lương thực cũng là điều cấp thiết. Tuy nhiên, việc tái đàn cần có những biện pháp tuần tự để kiểm soát và bảo đảm an toàn sinh học.

ĐẢM BẢO AN TOÀN SINH HỌC

 

Phải đảm bảo an toàn sinh học tuyệt đối, đây là điều kiện tiên quyết để người chăn nuôi có thể tái đàn và “sống chung” với dịch tả lợn châu Phi. Đó là ý kiến được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra khi đề cập đến việc tái đàn lúc này. Bởi dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch nguy hiểm với nhiều chủng virus có độc lực cao, tồn tại lâu trong môi trường, có nhiều nguồn phát tán và đặc biệt là chưa có thuốc chữa cũng như vaccine phòng bệnh. Do đó, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh rất cao. Người chăn nuôi phải xác định tâm lý cảnh giác và sống chung với dịch bệnh.

Đặc biệt, để tránh tình trạng “dịch chồng dịch” (ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện rải rác vài địa phương), các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở. Tăng cường kiểm tra việc tái đàn bảo đảm đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng. Kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo, nếu xảy ra dịch đề nghị chính quyền địa phương xử lý vi phạm hành chính và không hỗ trợ. Bên cạnh đó, triển khai các đợt tiêm phòng đại trà, tổng tẩy uế môi trường để chủ động phòng chống các các loại dịch bệnh khác trên vật nuôi.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, Khoa Chăn nuôi, Trường Đại học Nông lâm TP HCM nhận xét, trước khi có dịch tả lợn châu Phi, việc thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi ở nước ta vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Tuy nhiên rút kinh nghiệm từ cơn dịch vừa qua, chỉ có làm tốt công tác an toàn sinh học thì mới có thể chống đỡ khi dịch xảy ra. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, để có thể tái đàn thì không có cách nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để cách ly virus khỏi đàn vật nuôi.

“Chúng ta không có cách nào khác ngoài biện pháp an toàn sinh học. Khi thực hiện an toàn sinh học, chúng ta không những bảo vệ đàn heo chống lại con virus dịch tả lợn châu Phi mà còn có thể bảo vệ đàn heo chống lại tất cả những tác nhân khác. Áp dụng an toàn sinh không chỉ giúp bảo vệ đàn vật nuôi không bị bệnh, mà còn đem lại hiệu quả rất lớn là sản phẩm sẽ trở nên an toàn hơn cho người tiêu dùng”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải nói

 

THẬN TRỌNG TÁI ĐÀN

 

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, trong lúc các trại heo tại Đồng Nai bị dịch tả lợn châu Phi “càn quét” khốc liệt, thì có một điểm đặc biệt là có những trang trại hoàn toàn không bị dịch, chủ trại bảo vệ đàn heo thành công. Điểm chung của những trang trại này là nằm xa khu dân cư, chủ trang trại thực hiện an toàn sinh học tốt. Thời gian vừa qua tại Đồng Nai đã có khoảng vài chục trang trại tái đàn và chỉ khoảng một nửa trong số đó thành công, do đó người chăn nuôi đã có thể tái đàn, nhưng cần thận trọng, phải đánh giá được khả năng có thể đảm bảo an toàn sinh học của trại mình, chỉ tái đàn khi đã chuẩn bị kỹ càng các điều kiện an toàn.  “Trong tình hình hiện nay việc tái đàn chúng ta cần hết sức thận trọng. Quan trọng đối với các chủ trại là chúng ta cần xác định đã sát trùng kỹ chưa. Kinh nghiệm cho thấy có một số trang trại mà còn tồn tại là những trang trại kín, cách ly xa dân cư. Đây là những an toàn tương đối hiện nay. Chúng tôi khuyến cáo người nuôi phải tuân thủ các biện pháp an toàn, và không ai có thể đánh giá bằng chính chúng ta”, ông Công nói.

Cũng chia sẻ về vấn đề này Bà TrầnThị Tài – Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thành phố Đà Nẵng:  Tái đàn từ từ, từ 10% tổng số lợn có thể nuôi, rồi sau 30 ngày xét nghiệm âm tính mới cho tái đàn 100%.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, để tái đàn, nông dân còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như nguồn tài chính, giá con giống rất cao trong khi lượng heo nái không còn nhiều, còn heo hậu bị thì sẽ phải cần thêm thời gian. Liên quan vấn đề này, ông Đặng Phú Hành – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng: “Muốn tái đàn phải có đơn và con giống phải có nguồn gốc, các cơ quan chuyên môn của thành phố và huyện sẽ định hướng cho người dân mua ở những nơi đảm bảo tiêu chuẩn.”

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai) - ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, với 119/137 xã của Đồng Nai đã qua 30 ngày không phát sinh dịch, việc tái đàn được ưu tiên ở thời điểm hiện nay nhằm giảm áp lực nguồn cung đối với thị trường thịt heo.

Tuy nhiên, việc tái đàn phải được kiểm soát. Đối với các nông hộ nhỏ lẻ, ông Giang cho rằng việc liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị có thế mạnh an toàn sinh học là một giải pháp, dĩ nhiên là lợi nhuận sẽ không bằng.

Ông Giang nói: “Hướng để tái đàn thành công thì các trang trại phải nâng cao an toàn sinh học. Thời gian qua chúng tôi thấy có một số doanh nghiệp lớn họ làm khá tốt, đàn heo của họ thiệt hại không nhiều. Để làm được cái này thì các trang trại muốn tái đàn có thể liên kết với các doanh nghiệp".

Theo Bộ NN và PTNT, trong điều kiện DTLCP vẫn còn tiềm ẩn, để duy trì phát triển sản xuất, các địa phương cần chú trọng làm tốt công tác tái đàn lợn có kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn lợn ở những nơi đã có dịch mà đáp ứng đủ điều kiện tái đàn và mở rộng quy mô đàn ở những nơi vẫn đang còn an toàn dịch, tuân thủ đúng quy trình CNATSH, kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng thêm nguồn cung thịt lợn, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu tiêu dùng.