Hấp Thu Dinh Dưỡng Trong Thức Ăn Cút Đẻ

20 tháng 11 2013
-
3 phút

Một số vấn đề thường gặp phải nhất trong chăn nuôi cút như trứng nhỏ, trứng mất bông, vỏ trứng không bóng, vỏ trứng mỏng... có thể có nguồn gốc từ dinh dưỡng hoặc kể cả từ mầm bệnh, dẫn đến giảm sức khoẻ và từ đó giảm sự hấp thu dưỡng chất từ thức ăn, đưa đến kết quả chăn nuôi không như mong đợi. Bài viết này tập trung vào các nguyên nhân có thể dẫn đến sự giảm sút hấp thu dưỡng chất trong thức ăn của cút, nhất là cút đẻ để từ đó đề xuất một số giải pháp cho những vấn đề thường xuất hiện trong chăn nuôi cút hiện nay.

Sự hấp thu dưỡng chất và sản xuất trứng ở cút

 Gia cầm mái chỉ có 01 buồng trứng (nằm phía bên trái cơ thể) phát triển,  chứa vài chục quả trứng non có kích cỡ nhỏ dần và các nang noãn sẽ phát triển dần dần thành trứng trưởng thành (trứng chín). Khi trứng (lòng đỏ) chín rụng xuống phễu (vòi Fallop), theo ống dẫn trứng đến tử cung. Lúc này lòng trắng được tiết ra bao quanh. Tuyến vỏ ở tử cung tiết ra CaCO3  tạo thành vỏ cứng bao quanh trứng. Phản xạ đẻ (do có tác động ánh sáng ban ngày và các hormon nội tiết) sẽ đẩy trứng ra ngoài.

Cần nhắc lại một nguyên lý cơ bản: không phải hễ cút (hoặc các loài vật khác) ăn gì thì tất cả dưỡng chất trong thức ăn đều sẽ đi thẳng vào quả trứng mà thức ăn sau khi ăn, đến mề được nghiền mịn, xuống đến ruột non thì các dưỡng chất nào dễ tiêu hoá sẽ được thấm qua vách ruột, vào máu đến gan. Tại đây gan sẽ làm nhiệm vụ gạn lọc, chuyển hoá dinh dưỡng một phần đi vào nuôi cơ thể, một phần đưa ra bên ngoài (được gọi là trứng).

Một khi không có đủ dưỡng chất để tạo trứng thì dễ thấy nhất là lượng trứng đẻ ra (tỷ lệ đẻ) giảm, hoặc các trứng đẻ ra không đạt đủ các tiêu chuẩn như mong muốn.

Các hình  cho thấy một vài trạng thái không được như mong muốn hay xảy ra ở trứng cút thương phẩm. Trứng nhỏ, vỏ trứng sần sùi, không bóng láng, các “bông” trứng (đốm màu nâu hoặc đen) không nhiều, thậm chí đôi khi trứng mất bông hoàn toàn. Một vài trường hợp bất thường khác trên trứng đôi khi cũng xảy ra như vỏ trứng mỏng dễ vỡ, trứng méo mó, có đầu quá to và đầu quá nhỏ.

 Trong khi một vài hiện tượng như trứng vỏ mỏng hoặc nhất là khi trứng mất bông hoàn toàn thì do có sự liên hệ với bất thường về sức khoẻ của cút mà nguyên nhân chủ yếu do liên quan đến một vài trường hợp bị tác động của mầm bệnh truyền nhiễm. Hầu như tất cả các hiện tượng này đều có liên quan đến việc cút không thể hấp thu được đầy đủ dưỡng chất có từ  thức ăn được cung cấp.

 Các yếu tố ảnh hưởng sự hấp thu dưỡng chất

 1.      Chất lượng không khí NH3

 Một trong những hạn chế ở những chuồng trại nuôi cút hiện nay là khả năng thông thoáng trong chuồng ít được quan tâm đúng mức. Do nuôi cút đòi hỏi có chuồng nuôi tương đối tối, yên tĩnh nên các chuồng thường được thiết kế khá kín với nhiều dãy lồng xếp chồng lên nhau (để tăng diện tích nuôi) mà lại không hoặc thiếu hệ thống thông thoáng khí trong chuồng nuôi.

 Mặt khác thức ăn của cút thường chứa hàm lượng đạm cao, khoảng 21 – 23% nên khi chuồng thiếu không khí, nóng và ẩm sẽ càng làm phát sinh khí ammonia cao làm ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, và từ đó vừa ảnh hưởng sức khoẻ, vừa tác động đến khả năng sản xuất của cút. Mức cho phép ammonia trong chuồng nuôi là dưới 25 ppm. Khi mũi người ngửi được mùi khai nhẹ trong chuồng nuôi thì tức là nồng độ khí này đang dao động trong khoảng 20 – 30 ppm.

 2.      Các loại mầm bệnh

  • Virus: các bệnh chủ yếu do virus gây ra trên cút gồm New Castle, viêm thanh khí quản truyền nhiễm (infectious laryngotracheitis), và viêm phế quản truyền nhiễm (infectious bronchitis - IB). Hai nguồn gây bệnh đầu vừa ảnh hưởng sức khoẻ cút, vừa tác động trực tiếp tử cung nơi tiết ra khoáng chất tạo vỏ và ảnh hưởng đến sức sống của phôi trong trứng. Vì vậy các hiện tượng trứng mất bông được liên hệ với khả năng ấp nở kém (trứng chết phôi nhiều) là có cơ sở từ khả năng nhiễm các nguồn mầm bệnh này
  • Vi khuẩn: nhiều tác giả ghi nhận sự xuất hiện phổ biến của Clostridium Colinum trong đường ruột cút và là tác nhân gây bệnh có nguồn gốc vi khuẩn phổ biến nhất ở cút. Nếu không gây chết thì vi khuẩn này cũng gây viêm ruột hoại tử, làm giảm khả năng tiêu hoá hấp thu dưỡng chất từ thức ăn trong đường ruột.

 4. Thức ăn

 Mặc dù cút có khối lượng cơ thể nhỏ, chưa đến 200g/con và chỉ ăn khoảng 25g thức ăn/ngày nhưng dù sao cũng là loài gia cầm nên không gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu hoá các nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc từ hạt như bắp, cám gạo, hoặc các nguồn cung đạm từ bột cá, khô dầu các loại.

  Một số trở ngại có thể gặp trong thức ăn của cút như:

  • Thiếu dư chất béo trong thức ăn ảnh hưởng đến việc tạo trứng và giúp duy trì khối lượng trứng bình thường do liên quan đến việc tạo ra các loại chất béo hữu ích trong lòng đỏ trứng.
  • Thiếu Natri trong thức ăn: do điều kiện chăn nuôi thường xuyên nóng (nhiệt độ tối ưu 17 - 270C), cút sẽ uống nước nhiều và thải nước nhiều để giải nhiệt; vì vậy làm mất nhiều Natri cộng thêm quy trình hô hấp cũng tăng nhiều. Do đó Natri cũng bị mất đi từ hơi thở. Chính vì thế nên cần phải có tính toán sao cho thức ăn chứa đủ Natri cho nhu cầu bình thường của cút cộng thêm phần mất đi do nhiệt độ cao này.
  • Thức ăn chứa nhiều xơ: nhất là đối với chất xơ không được tiêu hoá lại dễ dàng hút nước, cản trở sự tiêu hoá các dưỡng chất khác, làm cho phân thải ra ướt hơn bình thường. Cần bổ sung men tiêu hóa để cải thiện.
  • Tác động từ độc tố nấm mốc: mặc dù nấm mốc và độc tố nấm mốc không phải là vấn đề mới trong chăn nuôi nhưng thực tế là mối quan tâm của người chăn nuôi. Các độc tố nấm mốc này một khi đã nhiễm vào cơ thể động vật sẽ gây tác hại trên những khu vực khác nhau của cơ thể như hệ thống hô hấp, hệ thống tuần hoàn, bài tiết, hệ thống sinh sản. Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay để giảm bớt nguy cơ tác hại từ các độc tố nấm mốc là sử dụng các sản phẩm hấp thụ độc tố nấm mốc trong thức ăn.