Chăn Nuôi Vịt Thịt Chạy Đồng

15 tháng 9 2020
-
2 phút

Chăn nuôi vịt thịt   thả đồng là phương thức được áp dụng rộng rãi ở những vùng trồng lúa, tập trung nhiều nhất vào cuối các vụ lúa – sắp thu hoạch và suốt sau giai đoạn tiếp theo sau thu hoạch. Mục đích của nuôi vịt chạy đồng là tận dụng thức ăn và lúa rơi vãi sau thu hoạch trên đồng. Ngoài ra còn bổ sung chất hữu cơ cho đồng ruộng và tiêu diệt các loại côn trùng trên đồng ruông trước- trong và sau thu hoạch. Hầu hết thời gian trong ngày vịt được chăn thả và có thể tự kiếm ăn trên đồng ruộng, tiết kiệm được lao động do sau thu hoạch nên biện pháp này có thể áp dụng trên cánh đồng mẫu lớn với qui mô đàn lớn và đồng thời áp dụng cho các hộ có diện tích đồng nhỏ, ít vốn khai thác với số lượng vịt nuôi ít, phù hợp với điều kiện nông hộ. Để tận dụng được những ưu thế trên, người chăn nuôi vịt cần phải xác định lịch gieo trồng theo thời vụ và phạm vi đàn vịt có thể chăn thả mà chuẩn bị các điều kiện chăn nuôi và qui mô đàn vịt.

Các giống vịt nuôi chạy đồng có thể là các giống vịt siêu thịt Super M, Nông nghiệp, các giống lai và vịt ta. Nuôi vịt thịt theo mô hình này được chia ra thành 2 giai đoạn là úm vịt con và sau úm đến khi kết thúc.

 Giai đoạn 1: Úm vịt con

Thời kỳ úm vịt con kéo dài từ mới nở đến 2-3 tuần tuổi tùy theo giống và mùa vụ. Trước hết chọn vịt con phải đúng giống cần nuôi, đồng đều, không lựa những vịt nở quá sớm hoặc quá trễ. Nếu nuôi đàn vịt quá đông cần phân làm nhiều lô, mỗi lô không quá 300 con. Mật độ nuôi tuần đầu bình quân 40 con/m2, tuần thứ 2-3 khoảng 25 con/m2. Chuồng trại đối với mô hình chăn nuôi vịt thịt này có thể làm đơn giản bằng những vật liệu tre, lá sẵn có ở địa phương để giảm chi phí đầu tư. Chuồng nên quay về hướng đông-nam có nắng buổi sáng để làm khô chuồng và giúp vịt phát triển tốt. Hàng ngày bổ sung thêm chất độn chuồng để nền chuồng luôn khô sạch và định kỳ thay toàn bộ bằng lớp chất độn mới. Ở tuần tuổi thứ nhất, nhiệt độ úm ngày đầu 330C, cuối tuần giảm xuống còn 290C. Sang tuần thứ hai tiếp tục giảm để đến đầu tuần thứ ba, nhiệt độ úm ngang với nhiệt độ ngoài môi trường. Độ ẩm trong chuồng nuôi cũng không được quá cao, tốt nhất là trong khoảng 70%.

Nuôi dưỡng vịt con trong giai đoạn này rất quan trọng, vì nuôi tốt vịt khoẻ mạnh, mau lớn, sau úm chạy đồng giỏi, tỷ lệ hao hụt sẽ thấp. Đối với những giống nhập nội, tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp cho vịt đầy đủ dinh dưỡng đối với  trong những tuần đầu để vịt khỏe mạnh, mau lớn như thức ăn của công ty De Heus 7750 sử dụng cho vịt giai đoạn từ 1-21 ngày tuổi. Sau đó dần chuyển sang các loại thức ăn cho vịt phù hợp với điều kiện chăn thả như lúa, cua, ốc, tép, rau xanh.v.v… Giai đoạn vịt con cũng phải chú ý ngừa các bệnh thường xảy ra như bệnh dịch tả vịt, cúm gia cầm, viêm gan virus của vịt, phó thương hàn vịt, … và vệ sinh sát trùng chuồng trại định kỳ (ít nhất là 1 lần/tuần) bằng các loại thuốc sát trùng thích hợp.

Giai đoạn 2: Nuôi chăn thả đồng

Sau giai đoạn úm và tập ăn lúa, vịt được chăn thả suốt ngày trên đồng chăn, nếu quá xa chuồng và khi thời tiết thuận lợi có thể giữ vịt qua đêm ở những cánh đồng đang thời kỳ thu hoạch. Cần chọn đồng trước khi lùa vịt tới chăn và để vịt tự do tìm thức ăn trong những nơi có nhiều thức ăn. Hàng ngày nên thả vịt vào sáng sớm để vịt tận dụng lúc trời mát tìm kiếm thức ăn được nhiều hơn. Những khi nắng nóng, cần lùa vịt vào những nơi có bóng mát và nước uống đầy đủ để cho vịt nghỉ ngơi. Chiều mát lùa vịt đi ăn, đến gần tối để vịt ăn thật no, sau từ từ lùa vịt về chỗ nghỉ đêm. Khi vịt đã lớn (vịt mọc lông cánh đến phần giữa lưng), nếu thời tiết tốt và có trăng sáng, có thể cho vịt vào ruộng để vịt kiếm ăn tự do, nhằm thúc đẩy sự sinh trưởng nhanh chóng.

Cần di chuyển chỗ nhốt vịt vài tuần một lần, để đảm bảo công tác vệ sinh nơi chăn thả và nguồn thức ăn cho vịt không bị cạn kiệt do chỉ nhốt ở một chỗ. Tránh lùa vịt đi trên đường hoặc ruộng khô khi trời quá nắng sẽ làm vịt kiệt sức. Khi lùa vịt xuống kênh mương để di chuyển, cần chọn chỗ dốc thoải mái cho vịt xuống tắm một chút, rồi từ từ lùa cả đàn đi, nếu có nước chảy nên lùa theo dòng nước. Không để chó, chuột xâm nhập đàn vịt, sẽ hại vịt và làm vịt sợ hãi.

Hàng ngày cần quan sát kỹ và kiểm tra sức khoẻ đàn vịt. Khi thấy vịt ngủ, nằm yên là vịt được ăn no đủ và khoẻ mạnh. Khi thời tiết thay đổi và vịt bị đói, chúng thường có phản ứng xôn xao và kêu nhiều. Vịt há miệng và mệt mỏi, thường là bị nóng nắng và khát nước. Vịt ủ rũ, chậm chạp thường là biểu hiện của những triệu chứng bị nhiễm bệnh.

Những giống vịt khác nhau khi nuôi chăn thả có thể có tuổi giết mổ cũng khác nhau nên cũng phải áp dụng kỹ thuật nuôi cho hợp lý. Vì vậy, nếu nuôi dưỡng chăm sóc không thích hợp sẽ làm cho vịt chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, chất lượng kém ở thời điểm cần kết thúc, và do đó cho hiệu quả kinh tế thấp. Các giống vịt nuôi chăn thả đồng tốt nhất không nên nuôi vượt quá 60-75 ngày.

Để đảm bảo chất lượng cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và tiêu chuẩn hàng hóa, vịt trong và sau thời gian nuôi chăn thả mà có chất lượng chưa đạt yêu cầu, cần được bổ sung thêm cám vịt công nghiệp 7750 hoặc 7760 (De Heus) để cải thiện chất lượng vịt thịt.

Lịch phòng bệnh và tiêm phòng cho vịt thịt

Ngày tuổi: 1-7

Tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan virus vịt

Phòng chống nhiễm trùng rốn, các loại bệnh đường ruột và chống stress bằng các loại kháng sinh như Ampi - coli, Tetracylin, Streptomycin, Neox, Neotesol ... Bổ sung vitamin như: B1, B complex, ADE hay dầu cá

Ngày tuổi: 15 - 18

Tiêm phòng vaccine dịch tả vịt lần 1 tiêm dưới da (cổ hay cánh)

Phòng vaccine H5N1 lần 1

Bổ sung vitamin và kháng sinh phòng bệnh và chống stress sau tiêm phòng

Ngày tuổi: 28 - 46

Phòng bệnh E.coli, tụ huyết trùng, phó thương hàn vịt bằng các loại kháng sinh, Sulfamid và bổ sung vitamin

Có thể tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng cho vịt

Phòng vaccine H5N1 lần 2